Bệnh viện Hữu Nghị 60 năm xây dựng và phát triển         

         Trải qua 60 năm xây dựng và phát triển, Bệnh viện Hữu Nghị Việt Xô (nay là Bệnh viện Hữu Nghị) đã có những bước trưởng thành vượt bậc, đã trở thành địa chỉ khám chữa bệnh tin cậy của cán bộ trung- cao cấp của Đảng và Nhà nước, uy tín và “thương hiệu” của Bệnh viện ngày càng được khẳng định. 60 năm-một chặng đường phấn đấu lâu dài, bền bỉ, vượt qua bao khó khăn, thách thức, đến nay Bệnh viện đã đạt được nhiều thành tích to lớn, luôn hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được Đảng và Nhà nước giao phó.

         Tiền thân của Bệnh viện Hữu Nghị là bệnh xá 303 thành lập năm 1950 để chăm lo sức khoẻ cho cán bộ, nhân viên cơ quan Trung ương Đảng và Chính phủ, có 15 giường bệnh, với 10 nhân viên do BS Nhữ Thế Bảo phụ trách. Năm 1954, bệnh xá tăng lên 30 giường, với 25 nhân viên đóng tại chiến khu Việt Bắc.

         Hoà bình lập lại, cơ quan của Đảng và Chính phủ trở về Hà Nội, bệnh xá 303 chuyển về bệnh viện Đồn Thuỷ. Năm 1955 Trung ương quyết định mở rộng bệnh xá thành bệnh viện 303, có nhiệm vụ chăm sóc sức khoẻ, khám chữa bệnh cho các đồng chí Trung ương, thành viên hội đồng Chính phủ, khách nước ngoài và một số cán bộ cơ quan Trung ương. Do nhu cầu khám chữa bệnh cho cán bộ ngày một tăng, Trung ương Đảng đã đề nghị Đảng Cộng sản Liên Xô giúp đỡ xây dựng một bệnh viện chuyên bảo vệ chăm sóc sức khoẻ cho cán bộ. Tháng 5 năm 1956, Bệnh viện Hồng thập tự Liên Xô được khai trương tại địa điểm của bệnh viện 303, với 150 giường bệnh, 50 chuyên gia Liên Xô và 150 cán bộ nhân viên Việt Nam. Bác sĩ DeDog được cử làm giám đốc, Bác sĩ Nguyễn Văn Thủ làm Phó giám đốc. Cuối năm 1957, chuyên gia Liên Xô rút về nước, Bệnh viện Hồng thập tự Liên Xô được bàn giao cho ta quản lý.

         Nghị định 163-NĐ/TTg ngày 28/3/1958 của Thủ tướng Chính phủ hợp nhất Bệnh viện Hồng Thập tự Liên Xô và bệnh viện 303 thành một bệnh viện lấy tên là Bệnh viện Hữu Nghị Việt Xô do Bác sĩ Nhữ Thế Bảo làm Giám đốc. Lúc bấy giờ, Bệnh viện được Đảng, Nhà nước và Bộ Y tế giao nhiệm vụ bảo vệ chăm sóc sức khoẻ cho các đồng chí lãnh đạo của Đảng và Nhà nước, khám chữa bệnh cho các cán bộ trung-cao cấp của các cơ quan Trung ương và các tỉnh, thành phố từ Vĩnh Linh trở ra. Khi mới thành lập Bệnh viện chỉ có 11 khoa phòng, với 175 cán bộ viên chức (trong đó có 15 bác sĩ, dược sĩ).

           Từ năm 1958 đến 1962, Bệnh viện có 150 giường bệnh; năm 1963 tăng lên 300 giường; và năm 1968 là 350 giường. Thời kỳ này, đế quốc Mỹ mở rộng chiến tranh phá hoại miền Bắc, nên Bệnh viện xây dựng thêm 2 cơ sở sơ tán tại Lập Thạch, Vĩnh Phú và Kim Bôi, Hoà Bình. Số giường tăng lên 470 giường, đáp ứng kịp thời nhu cầu khám chữa bệnh cho cán bộ. Cũng trong thời kỳ này, các phòng BVSK TW 2, 3 và 5 ra đời để BVCSSK trực tiếp cho các đồng chí lãnh đạo cao cấp của Đảng và Chính phủ. Năm 1973 các cơ sở sơ tán rút về Hà Nội. Mặc dù phải sơ tán nhiều nơi, hoàn cảnh công tác rất khó khăn, thiếu thốn nhưng Bệnh viện vẫn luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ Đảng và Nhà nước giao phó.

Sau đại thắng mùa Xuân 1975, đất nước được thống nhất. Đối tượng cán bộ được chăm sóc sức khoẻ và khám chữa bệnh tại Bệnh viện Hữu Nghị Việt Xô mở rộng đến Thừa Thiên Huế. Ngoài ra, còn phục vụ các đồng chí lãnh đạo của nước bạn Lào, Campuchia, cán bộ đại sứ quán các nước. Từ tháng 3 năm 1976 đối tượng phục vụ có thay đổi, Bệnh viện chỉ khám chữa bệnh cho cán bộ có mức lương theo qui định; cán bộ miền Trung khám chữa bệnh tại Bệnh viện C, Đà Nẵng. Khu nhà nghỉ Quảng Bá lấy lại cơ sở nên số giường bệnh lúc đó giảm chỉ còn 200 giường, sau đó tăng dần lên 300 giường vào năm 1982 và 410 giường vào năm 1994.

        Để phù hợp với tình hình và nhiệm vụ của thời kỳ Đổi mới, ngày 14 tháng 11 năm 1994, Chính phủ đã có quyết định số 6388/TCCB đổi tên Bệnh viện Hữu Nghị Việt Xô thành Bệnh viện Hữu Nghị.

         Sau 60 năm thành lập, Bệnh viện Hữu Nghị đã được xây dựng khang trang, hiện đại, đến nay đã trở thành bệnh viện đa khoa loại I, hoàn chỉnh, với 25 khoa lâm sàng, 8 khoa cận lâm sàng và 8 phòng chức năng, với qui mô 650 giường kế hoạch (860 giường thực kê). Từ một Bệnh viện lúc đầu chỉ có 175 cán bộ nhân viên với 15 bác sỹ, dược sỹ đại học, nay đã trở thành một tập thể lớn mạnh, với hơn 821 cán bộ viên chức, trong đó có hơn 220 bác sỹ, dược sỹ đại học. Trình độ chuyên môn của đội ngũ y-bác sỹ ngày càng được nâng cao, hiện tại Bệnh viện có 4 PGS-TS; 12 TS-BS, 13 BS chuyên khoa cấp 2; 76 Thạc sỹ, 36 BS chuyên khoa cấp 1; 419 Điều dưỡng, KTV, Dược sĩ cao đẳng, trung cấp; 95 Viên chức ngạch khác. Một số cán bộ chuyên môn của Bệnh viện đã trở thành những chuyên gia hàng đầu của cả nước ở một số chuyên ngành.

       Trang thiết bị của Bệnh viện khi mới thành lập rất nghèo nàn, với 2 máy chụp X quang do Liên Xô viện trợ và 1 labô xét nghiệm đơn giản chỉ làm được 10 xét nghiệm thông thường. Đến nay, tất cả các khoa phòng đều có trang thiết bị chuyên môn hiện đại, đáp ứng yêu cầu chất lượng chẩn đoán và điều trị ngày càng cao của người bệnh. Khoa Chẩn đoán hình ảnh – trung tâm kỹ thuật chuyên sâu hàng đầu với máy chụp CT và cộng hưởng từ đầu tiên tại Việt nam. Hiện tại  được trang bị hiện đại, đồng bộ với máy chụp CT soắn ốc đa dãy đầu dò; hệ thống chụp mạch; siêu âm màu các loại; đặc biệt là máy chụp CT 256 lớp cắt trang bị theo hình thức “xã hội hóa” và máy chụp Cộng hưởng từ 1.5 Tesla mua từ nguồn vốn phát triển sự nghiệp của Bệnh viện. Khối xét nghiệm được trang bị hiện đại, đồng bộ với hệ thống máy xét nghiệm tế bào máu tự động hoàn toàn. hệ thống xét nghiệm hóa sinh và miễn dịch tự động. Khu phòng mổ được nâng cấp khang trang, hiện đại, với những trang thiết bị gây mê tiên tiến; máy hô hấp nhân tạo, hệ thống tim phổi máy để mổ tim hở; hệ thống mổ nội soi ổ bụng, tiết niệu, máy Phaco mổ đục thể thủy tinh, máy cắt dịch kính v.v. Khoa hồi sức tích cực và chống độc được trang bị các phương tiện hồi sức cấp cứu hiện đại như máy thở không xâm nhập, máy hô hấp nhân tạo, máy tạo nhịp, hệ thống monitor theo dõi, máy shock điện, máy chụp X quang tại giường, máy đo cung lượng tim không xâm nhập. Khoa Tiêu hóa được trang bị 2 hệ thống máy nội soi dạ dày-đại tràng, máy đốt u gan bằng sóng cao tầnKhoa lọc máu được trang bị đồng bộ, với 2 máy siêu lọc và 20 máy thận nhân tạo, đáp ứng chạy thận chu kỳ cho gần 100 bệnh nhân. Đặc biệt việc ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý Bệnh viện được chú trọng đầu tư, mọi hoạt động khám chữa bệnh từ tiếp đón BN khám ngoại trú, cấp phát thuốc, nhập viện, thanh toán viện phí, trả kết quả xét nghiệm, kết quả chẩn đoán hình ảnh…đến việc quản lý vật tư tiêu hao, quản lý nhân lực, chấm công…đều được thực hiện qua mạng, vừa nhanh, đảm bảo chính xác, minh bạch vừa hạn chế thất thoát, lãng phí. 

        Hoạt động chuyên môn khám chữa bệnh của Bệnh viện đã có nhiều khởi sắc, ngày càng tiến bộ, tính chuyên nghiệp ngày càng cao. Công tác chăm sóc toàn diện bệnh nhân luôn được duy trì và từng bước hoàn thiện tốt hơn.

       Hàng năm, Bệnh viện tiếp nhận khám ngoại trú cho khoảng 264.000 lượt bệnh nhân, điều trị nội trú cho gần 16.000 bệnh nhân, thực hiện được trên 45.000 thủ thuật-phẫu thuật các loại.

         Phòng Bảo vệ sức khỏe trung ương 2, 3 và 5 luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ trực tiếp chăm sóc sức khỏe cho các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, đương chức và nguyên chức. Thực hiện tốt việc kiểm tra sức khỏe định kỳ cho cán bộ được quản lý. Phục vụ tốt các kỳ họp của Quốc hội, các Hội nghị quan trọng của Đảng, Nhà nước, các Đoàn khách quốc tế. 

         Khoa Nội tổng hợp A – chuyên khám chữa bệnh cho bệnh nhân từ chuyên viên cao cấp bậc 5 trở lên – mỗi năm khám ngoại trú cho hơn 21.000 lượt bệnh nhân, điều trị nội trú cho gần 2.000 bệnh nhân. Chăm sóc người bệnh tận tình chu đáo, chất lượng điều trị ngày một cao, mang lại sự hài lòng cho người bệnh. Tập thể khoa đã được Chủ tịch nước tặng Huân chương Lao động hạng ba (năm 1985), Huân chương Lao động hạng nhì (năm 1999),  Huân chương Lao động hạng nhất (năm 2012), Huân chương Anh hùng lao động (năm 2015), Huân chương độc lập hạng nhất (2018). 

         Khoa Hồi sức tích cực và chống độc luôn là chỗ dựa vững chắc cho các khoa lâm sàng. Đội ngũ y-bác sỹ đã không quản ngày đêm, kịp thời xử trí cấp cứu cho những bệnh nhân nặng, giải quyết được nhiều trường hợp khó, mắc bệnh hiểm nghèo.

        Khoa Tim mạch có bề dầy truyền thống, mỗi năm điều trị cho gần 1.600 bệnh nhân nội trú, đặt Holter theo dõi mạch huyết áp 24 giờ cho gần 300 bệnh nhân, siêu âm tim cho hàng ngàn bệnh nhân.

        Khoa Tim mạch can thiệp mới được thành lập vào cuối năm 2009, nhưng đã phát triển vượt bậc, đến nay đã trở thành trung tâm can thiệp mạch lớn thứ 2 khu vực Hà Nội, chỉ sau Viện Tim Mạch quốc gia. Mỗi năm, đặt stent động mạch vành cho trên 500 bệnh nhân. Đặc biệt, trong năm 2012 đã phối hợp với đơn vị bạn triển khai thành công 2 ca đặt stent graft điều trị phình tách động mạch chủ ngực và động mạch chủ bụng-một can thiệp khó và phức tạp của ngành Tim mạch.

         Khoa Tiêu hóa mỗi năm điều trị nội trú cho gần 1.100 BN; Soi dạ dày-đại-trực tràng được gần 1.500 ca. Khoa đã ứng dụng nhiều kỹ thuật can thiệp mới như đặt stent thực quản; Thắt phình tĩnh mạch thực quản; Cắt Polip dạ dày-đại trực tràng bằng nội soi; Lấy sỏi ống mật chủ bằng nội soi ngược dòng; Đặt stent đường mật bằng nội soi; Điều trị u gan bằng sóng cao tần.

        Khoa Chẩn đoán hình ảnh mỗi năm Chụp CT cho 2.500 bệnh nhân, chụp CHT cho 2.400 bệnh nhân, chụp CT-64 lớp cắt cho 8.000 bệnh nhânsiêu âm  60.000 lượt bệnh nhân. Chất lượng chẩn đoán cao, giúp cho điều trị kịp thời và đúng hướng.

         Khoa Sinh hóa mỗi năm thực hiện trên 1 triệu xét nghiệm hóa sinh và miễn dịch, kết quả trả nhanh, kịp thời, độ chính xác cao. Khoa Huyết học mỗi năm làm gần 100.000 xét nghiệm các loại, cung cấp 1.800 lít máu và trực tiếp điều trị cho hàng trăm bệnh nhân mắc bệnh máu.

         Công tác an toàn sử dụng thuốc được chú trọng và giám sát thường xuyên. Khoa Dược đảm bảo cung ứng thuốc kịp thời, đầy đủ. Hệ thống mạng Quản lý dược được ứng dụng trong toàn viện, đảm bảo “từng viên thuốc đến tận tay người bệnh”. Bệnh viện đã đi đầu trong việc ứng dụng phần mềm CNTT để chấm thầu thuốc, rất thuận tiện, tiết kiệm và đảm bảo công khai, minh bạch. Từ đầu năm 2013, Khoa Dược là đơn vị thứ 3 trong cả nước đã triển khai pha chế tập trung thuốc ung thư cho hóa trị liệu, mang lại độ an toàn cao cho nhân viên, người bệnh, lại vừa hiệu quả và tiết kiệm.

         Với đội ngũ y-bác sỹ-dược sỹ tận tụy, có trình độ chuyên môn cao, giàu kinh nghiệm cùng hệ thống trang thiết bị hiện đại nên những năm gần đây Bệnh viện Hữu Nghị đã chẩn đoán và điều trị thành công nhiều ca khó, phức tạp, mà trước kia phải gửi ra nước ngoài, được Bộ Y tế đánh giá cao.

         Khoảng 5 năm trở lại đây, hàng loạt các kỹ thuật mới trong chẩn đoán và điều trị được triển khai an toàn và hiệu quả tại Bệnh viện Hữu Nghị như đặt stent động mạch vành, stent graft điều trị phình tách động mạch chủ, can thiệp mạch ngoại vi, chọc hút kim nhỏ chẩn đoán u gan, nút mạch gan điều trị ung thư gan, nút mạch não điều trị vỡ phình mạch, kỹ thuật cấy ghép implant răng, tán sỏi nội soi đường tiết niệu. Đầu tháng 3 năm 2013 ca mổ tim hở đầu tiên tại Bệnh viện đã được tiến hành thành công. Phẫu thuật nội soi tiêu hóa, tiết niệu đã trở thành phẫu thuật thường qui, ngày càng phát triển mạnh, với số lượng trên 1 ngàn ca mỗi năm. Phẫu thuật đục thủy tinh thể bằng phương pháp Phaco, đặt thể thủy tinh nhân tạo phát triển rất mạnh, với hơn 1.200 ca mỗi năm, cứu hàng ngàn người khỏi mù lòa. Khoa Hô hấp-Dị ứng đã tích cực triển khai nội soi phế quản, sinh thiết nội soi, sinh thiết xuyên thành.

        Nhận thức được tầm quan trọng của đội ngũ cán bộ chuyên môn kỹ thuật, trong nhiều năm qua Bệnh viện rất chú trọng phát triển công tác đào tạo, đạo tạo lại để nâng cao trình độ chuyên môn cho y-bác sỹ. Bệnh viện đã xây dựng và thực thi nghiêm chỉnh Qui định về tiêu chuẩn trình độ chuyên môn cho từng vị trí lãnh đạo quản lý: Trưởng khoa phải có bằng tiến sỹ hoặc chuyên khoa cấp 2; Phó khoa phải có bằng thạc sỹ hoặc chuyên khoa cấp 1; Điều dưỡng trưởng phải có bằng cao đẳng hoặc đại học điều dưỡng. Trong 5 năm gần đây, Bệnh viện đã gửi đi đào tạo 17 tiến sỹ, 27 thạc sỹ, 5 bác sỹ chuyên khoa 2, 14 bác sỹ chuyên khoa 1, 22 đại học điều dưỡng, 8 cao đẳng điều dưỡng. Hàng năm, Bệnh viện đều mở các lớp nâng cao kỹ năng lâm sàng, cấp cứu ban đầu cho khối bác sỹ; lớp kỹ năng giao tiếp, chống nhiễm khuẩn cho khối điều dưỡng. Sinh hoạt khoa học toàn bệnh viện, sinh hoạt khoa học tại các khoa phòng được duy trì thường xuyên, đều đặn, với nội dung ngày càng phong phú và cập nhật. Hiện nay, nhiều cán bộ chuyên môn của Bệnh viện đang giảng dạy kiêm nhiệm, tham gia đào tạo sau đại học tại trường Đại học Y Hà Nội, Y Thái Bình và Học viện Quân y 103.

        Hiện tại, Bệnh viện đang thực hiện 5 đề tài cấp Bộ và 1 nhánh đề tài cấp Nhà nước về “Tình trạng thừa cân, béo phì, một số chỉ số hóa sinh và tỷ lệ bệnh đái tháo đường, tăng huyết áp ở cán bộ viên chức đến khám bệnh, kiểm tra sức khỏe tại Bệnh viện Hữu Nghị”. Đã có 125 đề tài nghiên cứu khoa học cấp cơ sở được nghiệm thu, hàng trăm sáng kiến cải tiến kỹ thuật được ứng dụng vào chăm sóc phục vụ bệnh nhân.

        Mở rộng quan hệ hợp tác quốc tế, tăng cường chuyển giao kỹ thuật và hợp tác nghiên cứu khoa học với các đơn vị bạn là hoạt động được Bệnh viện quan tâm. Nhiều chuyên gia từ Nhật Bản, Pháp, Mỹ, Malaysia đã đến thuyết trình, báo cáo, trao đổi cập nhật kiến thức. Nhờ sự giúp đỡ của các chuyên gia, nhiều kỹ thuật như mổ tim hở, can thiệp động mạch vành, phẫu thuật dịch kính-võng mạc…đã và đang được chuyển giao cho Bệnh viện. 

        Hoạt động chỉ đạo tuyến được thực hiện thường xuyên, đều đặn. Hàng năm, Bệnh viện cử 5 đến 8 đoàn bác sỹ về giúp Ban bảo vệ sức khỏe các tỉnh thành khám, phân loại, quản lý sức khỏe cho trên 2.000 cán bộ lãnh đạo. Mỗi năm Bệnh viện tổ chức ít nhất 1 lớp Tập huấn chuyên đề cho các bác sỹ Ban bảo vệ sức khỏe các tỉnh, thành phía bắc. Ngoài ra, Bệnh viện còn đào tạo giúp về chuyên ngành chẩn đoán hình ảnh và luôn sẵn sàng hỗ trợ chuyên môn trong trường hợp cấp cứu, trường hợp bệnh nhân nặng từ tuyến dưới chuyển lên. Thực hiện Đề án 1816, Bệnh viện đã cử các chuyên khoa chẩn đoán hình ảnh, xét nghiệm, răng hàm mặt, mắt, tai mũi họng…giúp bệnh viện đa khoa và Ban bảo vệ sức khỏe tỉnh Ninh Bình, Ban bảo vệ sức khỏe Hà Nội, được Bộ Y tế và các đơn vị bạn đánh giá cao.

         Từ năm 2006 Bệnh viện Hữu Nghị đã thực hiện Nghị Định 43, tự chủ 1 phần kinh phí hoạt động, thu nhập tăng thêm của CBVC đã tăng lên gấp 5 lần, đạt bình quân gần 2 triệu đồng/tháng. Để góp phần cải thiện đời sống cán bộ viên chức và nâng cao trình độ chuyên môn, được sự đồng ý của Bộ Y tế, năm 2005 Bệnh viện đã thành lập khoa khám chữa bệnh theo yêu cầu phục vụ mọi đối tượng ngoài tiêu chuẩn. Hàng năm, khoa khám chữa bệnh theo yêu cầu đã tiếp nhận khám gần 10.000 lượt bệnh nhân và điều trị nội trú cho gần 1.500 bệnh nhân. Gần đây, Bệnh viện đã thực hiện xã hội hóa một số trang thiết bị như máy chụp CT-64 lớp cắt, hệ thống nội soi dạ dày- đại tràng bằng vốn đóng góp của cán bộ viên chức, hoạt động hiệu quả, thu hồi vốn nhanh, đóng góp nhiều cho quĩ đời sống của Bệnh viện. Thu nhập bình quân hiện nay tuy khiêm tốn, nhưng đã đạt gần 10 triệu đồng/tháng.

         Những năm qua, tổ chức Đảng của Bệnh viện đã phát huy vai trò tiên phong, gương mẫu trong mọi hoạt động, đặc biệt là xây dựng đội ngũ cán bộ “vừa hồng vừa chuyên”. Đảng bộ Bệnh viện hiện tại có 34 chi bộ với gần 350 đảng viên (chiếm gần 1/2 số CBVC), mỗi đảng viên luôn là hạt nhân trong công tác chuyên môn tại các khoa phòng. Từ năm 2006, Đảng bộ Bệnh viện chuyển về trực thuộc Thành ủy Hà Nội, hàng năm Đảng bộ luôn được cấp trên công nhận đạt danh hiệu “ Đảng bộ trong sạch, vững mạnh”.

         Công đoàn Bệnh viện luôn thể hiện vai trò kết nối, tập hợp quần chúng, chăm lo đời sống cán bộ viên chức, động viên cán bộ viên chức thi đua lao động, hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao. Hàng năm, Công đoàn đều tổ chức Hội thi Văn nghệ, thể dục thể thao nhân dịp kỷ niệm ngày thành lập Bệnh viện, Hội thi nấu ăn, thi cắm hoa…nhân ngày quốc tế phụ nữ 8 tháng 3. Tích cực ủng hộ đồng bào bão lụt, xây dựng “nhà tình nghĩa” với tinh thần “lá lành đùm lá rách”,  hưởng ứng phong trào nuôi con khỏe, dạy con ngoan, thực hiện tốt kế hoạch hóa gia đình. Hoạt động của Công đoàn Bệnh viện được Công đoàn Quận Hai Bà Trưng và Công đoàn ngành y tế đánh giá cao, được Chủ tịch nước tặng Huân chương Lao động hạng Ba, được Tổng Liên đoàn Lao động tặng 2 Bằng khen và Công đoàn ngành y tế tặng 3 Cờ Thi đua và nhiều Bằng khen.

        Đoàn Thanh niên CS HCM Bệnh viện đã tham gia nhiều hoạt động thanh niên tình nguyện, hiến máu nhân đạo, khám chữa bệnh cho người nghèo và gia đình chính sách. Nhiều đoàn viên rất hăng say học tập chuyên môn, ngoại ngữ, vi tính, tuổi còn rất trẻ nhưng đã nắm bắt được nhiều kỹ thuật tiên tiến hiện đại, ứng dụng hiệu quả trong khám chữa bệnh, phục vụ bệnh nhân. Chỉ riêng năm 2011, tại Hội thao kỹ thuật tuổi trẻ sáng tạo ngành y tế khu vực Hà Nội lần thứ 24, Đoàn Thanh niên Bệnh viện đã đạt 1 giải Nhất, 1 giải Nhì và 1 giải Ba. Nhiều đoàn viên được Thành Đoàn Hà Nội tặng danh hiệu “Gương mặt thầy thuốc trẻ tiêu biểu của Thủ đô”.

         Hội Cựu chiến binh Bệnh viện với hơn 128 hội viên, phát huy truyền thống “Anh bộ đội cụ Hồ” luôn tích cực trong chuyên môn, chăm sóc người bệnh, xung kích trong giữ gìn trật tự an ninh và tiên phong trong việc thực hiện nếp sống văn hóa, văn hóa công sở.

         Với những thành tích đạt được trong 60 năm qua, Bệnh viện Hữu Nghị đã được Đảng, Nhà nước đánh giá cao và trao tặng nhiều phần thưởng cao quý: Huân chương Lao động hạng Nhất, Huân chương Độc lập hạng Nhì, 5 Huân chương Lao động hạng Nhì, 8 Huân chương Lao động hạng Ba, Cờ luân lưu Chính phủ, Bằng khen của Thủ tướng, được Nhà nước Lào tặng thưởng Huân chương tự do hạng Nhất và hạng Hai. Nhân dịp kỷ niệm 55 năm ngày thành lập, ngày 28/3/2013 bệnh viện đã vinh dự đón nhận Huân chương Độc lập Hạng nhất, đây là phần thưởng xứng đáng của Đảng, Nhà nước dành cho các thế hệ thầy thuốc của bệnh viện. Đến nay, bệnh viện đã có 06 bác sỹ được phong tặng danh hiệu Thầy thuốc nhân dân và 30 bác sỹ được phong tặng danh hiệu thầy thuốc ưu tú.

          Bên cạnh những thành tựu rất đáng tự hào, Bệnh viện còn đứng trước nhiều khó khăn thách thức lớn, đó là nhu cầu khám chữa bệnh ngày càng cao nhưng khả năng đáp ứng còn hạn chế; thiếu cán bộ có trình độ chuyên môn kỹ thuật cao ở một số chuyên ngành; trang thiết bị y tế còn thiếu và chưa đồng bộ. Đời sống cán bộ viên chức còn khó khăn. Để làm tốt hơn nữa nhiệm vụ mà Đảng, Chính Phủ và Bộ Y tế giao cho, Bệnh viện Hữu Nghị tiếp tục phấn đấu trở thành bệnh viện đa khoa hiện đại, hoàn chỉnh, có trình độ chuyên môn kỹ thuật hàng đầu cả nước, ngang tầm với các nước trong khu vực, đáp ứng yêu cầu khám chữa bệnh ngày càng cao của cán bộ và nhân dân. Từ 10/10/2013 nhà điều trị cao tầng đã đi vào hoạt động, hai khoa Nội tiết- đái tháo đường và Ung bướu – xạ trị mới thành lập triển khai gường bệnh nội trú nâng số giường bệnh toàn viện lên 775 giường. Bệnh viện đang tiến tới xây dựng khoa khám bệnh và nhà tang lễ. Tích cực triển khai phẫu thuật mổ tim hở. Phát triển mạnh hơn nữa các can thiệp mạch (đặc biệt là can thiệp mạch ngoại vi), phẫu thuật nội soi, các can thiệp nội soi, phẫu thuật Phaco thay thể thủy tinh nhân tạo, phẫu thuật dịch kính-võng mạc. Triển khai phẫu thuật nội soi mũi xoang, xây dựng trung tâm xạ trị. Xã hội hóa một số trang thiết bị y tế, dịch vụ y tế có nhu cầu cao, có khả năng mang lại lợi nhuận để góp phần cải thiện đời sống cho CBVC.

       60 năm-hơn 1/2 thế kỷ- đối với một con người là gần cả cuộc đời. Đối với Bệnh viện Hữu Nghị là cả một giai đoạn lịch sử, bao thế hệ y-bác sỹ đã chung tay góp sức xây dựng và phát triển. Những người thầy thuốc hiện đang công tác tại Bệnh viện luôn luôn biết ơn thế hệ cha anh đi trước, bằng sức lực và trí tuệ của mình đã viết nên những trang sử truyền thống vẻ vang, niềm tự hào của các thế hệ mai sau. CBVC bệnh viện nguyện phấn đấu hết mình, cố gắng học tập nâng cao trình độ chuyên môn, làm chủ khoa học kỹ thuật, đoàn kết thống nhất cùng nhau xây dựng bệnh viện Hữu nghị trở thành bệnh viện chính qui hiện đại, ngang tầm với khu vực và thế giới.

Bí thư Đảng ủy

  Giám đốc Bệnh viện Hữu Nghị

PGS.TS. Nguyễn Thanh Hà

Leave a Comment